Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và DN vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới

Ngày 15/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”.Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đức

Ông Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định. Do đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp không còn là việc của riêng doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, nỗ lực của các tổ chức ngành nghề và người lao động. Tại Hội nghị, Ông Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp cho biết: “Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước gặp phải khó khăn nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 5 năm đạt 7%/năm). Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp (Cục QLĐKKD), Số doanh nghiệp đang hoạt động đến 12/2018 là khoảng 715 nghìn DN. Theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á: chỉ có 21% các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia… Bởi vậy cần có những chính sách hợp lý thúc đẩy ổn định kinh tế, nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp.”

Ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia

Phát biểu trong Hội nghị, Ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã chỉ ra thực trạng cách mạng 4.0 tác động đến hệ thống tài chính Việt Nam: “Còn khoảng trống lớn trong việc áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong khi đó chế tài và pháp lý chưa chặt chẽ. An ninh mạng chưa được đảm bảo, thông tin người tiêu dùng bị rò rỉ gây hoang mang…”. Cùng với đó ông cũng đưa ra những giải pháp thiết lập cách mạng công nghiệp 4.0 trong tài chính: “Về phía quản lý nhà nước, tôi yêu cầu xây dựng hoàn thiện chính sách tài chính đối với các mô hình mới, xây dựng hoàn thiện chiến lược, phổ cập công nghệ tới từng bộ phận, tăng cường mở rộng hợp tác chia sẻ thông tin quốc tế. Đối với các doanh nghiệp, các hộ gia đình thì cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo và thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh và sản phẩm mới theo nguyên tắc: đơn giản hóa, tự động hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đảm bảo an toàn hệ thống”.

Ông Trịnh Minh Giang – Chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Giang – Chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số đã nêu ra nhiều dẫn chứng về việc chuyển đổi mô hình nền tảng số. Nếu nói mô hình nền tảng đã phá vỡ hoàn toàn mô hình kinh doanh truyền thống thì có thể là hơi quá lời tại thời điểm này nhưng sẽ sớm thành hiện thực mà thôi.

Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Nguyễn Văn Nam nhìn nhận, vài năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu vươn lên, tuy nhiên, không đều giữa các khối doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều trì trệ, thực hiện cải cách chậm trễ, cổ phần hóa còn rất ì ạch. Điều này gây lãng phí lớn cho Nhà nước. Khối doanh nghiệp tư nhân có bước phát triển mạnh, đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp nổi lên đảm nhiệm công việc lớn như xây đường băng, sân bay, cầu cảng… Tuy vậy khối doanh nghiệp này đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt, thể hiện qua lượng doanh nghiệp mới tăng rất cao nhưng số bị thải loại cũng cao. “Khi hai khối doanh nghiệp này đang gặp lúng túng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “thong dong” bước vào và phát triển rất nhanh. Họ đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, đem lại lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài chúng ta không thể sống nhờ họ mà Việt Nam phải phát triển doanh nghiệp của mình”, ông Nam nhấn mạnh.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu

Để nâng cao sức cạnh tranh, trước tiên mỗi doanh nghiệp phải quản trị công ty tốt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói. Khi đó hoạt động kinh doanh được cải thiện, đem đến thông điệp cho đối tác, các nhà đầu tư rằng chúng ta là một nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáng tin cậy và bền vững, từ đó thiết lập quan hệ lâu dài. Thế nhưng, khái niệm quản trị đối với doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn rất xa xỉ, ông Hiếu nhận xét. Việt Nam mới đang chuyển từ giai đoạn thức tỉnh, bắt đầu nâng cao nhận thức chứ chưa áp dụng chuẩn mực, trong khi các nước như Thái Lan, Singapore đã bước sang giai đoạn mức độ chuẩn mực. Ông Hiếu cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Bởi, như Thái Lan, Singapore có luật pháp yếu nhưng năng lực cạnh tranh lại rất cao bởi họ coi trọng và luôn nâng cao trình độ quản trị. Chừng nào còn coi nhẹ khâu quản trị thì chừng đó không thể nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lượt xem: 249