Gian lân xuất xứ - Những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt

Trước nguy cơ các vụ điều tra chống các vụ việc bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh các biện pháp Phòng vệ thương mại có thể tiếp tục tăng lên, tại Hội nghị đối thoại: Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và Phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu, do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 19/12/2019 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, đã đề cập đến những vấn đề nóng, đầy thách thức đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ nhằm giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam nắm thông tin về các cam kết về phòng vệ thương mại, và các tác động của các biện pháp này đối với hoạt động xuất khẩu.

Tham dự chương trình có Ông Lê Triệu Dũng Cục trưởng – Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương); Ông Chu Thắng Trung  Phó Cục trưởng - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương); Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng Cục quản lí thị trường – Bộ Công  Thương); Ông Christopher Corr và Ông Lin Li - Luật sư công ty White & Case; Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng, Phòng xuất xứ hàng hóa, cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Phạm Như Hà – Phó trưởng phòng, Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan – Bộ tài chính; cùng hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông. Đồng hành cùng chương trình có Tổng Công ty khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP.

Tại hội nghị, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM - nhấn mạnh, hạn chế rủi ro gian lận xuất xứ và PVTM, ngăn ngừa các hành vi gian lận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp PVTM là chủ đề nổi cộm thời gian gần đây tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm, triển khai các biện pháp PVTM nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh biện pháp PVTM một cách mạnh mẽ. Theo ông Lê Triệu Dũng, trên cơ sở đề án, các Bộ, ngành như Công Thương, Tài chính đã nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ vụ thể, quyết liệt. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chuẩn bị danh mục 25 mặt hàng cảnh báo sớm tới các cơ quản lý địa phương để tăng cường giám sát.

Ngoài ra, trong số nhiệm vụ của đề án, ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý Nhà nước, DN về các biện pháp chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ là hết sức quan trọng, nặng nề. Bởi trên thực tế, có một số DN tham gia các vụ kiện đã nắm rõ về các vấn đề về biện pháp PVTM, song đa số DN, nhất là DN vừa và nhỏ, thậm chí các cơ quan quản lý Nhà nước tại nhiều địa phương chưa hiểu rõ, và chưa nắm được bức tranh toàn cảnh đầy đủ về quy định, nhất là từ các nước nhập khẩu liên quan tới chống gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

Lượt xem: 259