GIẢI PHÁP TRONG VIỆC HẠN CHẾ GIAN LẬN XUẤT XỨ

Sáng 19/12, tại Hà Nội, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Hội nghị đối thoại: Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu”.

Tham dự Hội nghị có Ông Lê Triệu Dũng Cục trưởng – Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương); Ông Chu Thắng Trung  Phó Cục trưởng - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương); Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng Cục quản lí thị trường – Bộ Công  Thương); Ông Christopher Corr và Ông Lin Li - Luật sư công ty White & Case; Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng, Phòng xuất xứ hàng hóa, cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Bà Nguyễn Phạm Như Hà – Phó trưởng phòng, Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan – Bộ tài chính; cùng hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng cho rằng, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Tuy nhiên, hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa và có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành. 

Chia sẻ ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại nhấn mạnh, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. Hành vi này làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.

Cũng theo ông Chu Thắng Trung, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Tuy nhiên hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu.

Liên quan đến quy tắc xuất xứ và biện pháp hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu cho hay, hiện nay có nhiều dạng gian lận xuất xứ, một số doanh nghiệp làm giả giấy xác nhận của địa phương; giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu, thậm chí xin xác nhận của địa phương.

Ngoài ra còn có rất nhiều các bài tham luận, các câu hỏi từ các Bộ ngành, Hiệp hội và các doanh nghiệp trong chương trình. Từ đó đã đưa ra cái nhìn tổng thể về các biện pháp hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu. 

Lượt xem: 428