Dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy cần mang tính ổn định lâu dài

Đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải quy định hết sức cụ thể, mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thay đổi.

Đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải quy định hết sức cụ thể, mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thay đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy cần mang tính ổn định lâu dài
Toàn cảnh họp tại tổ Hà Nội

Chiều 19/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật.

Thống nhất cao về việc ban hành Luật PCCC&CNCH nhằm luật hóa những quy định hiện hành, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho hay, Điều 13 của dự thảo Luật đề cập về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới. Trong đó, yêu cầu khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch phải có giải pháp, thiết kế về PCCC phù hợp với từng loại quy hoạch.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ thực tế hiện nay để áp dụng quy định này cho phù hợp với yêu cầu của công tác PCCC.

Dự thảo Luật Phòng cháy chữa cháy cần mang tính ổn định lâu dài
Đại biểu Dương Văn Phước góp ý tại tổ

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phản ánh: Việc hướng dẫn xây dựng phương án về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác PCCC của từng loại hình, công năng sử dụng thời gian qua cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau, đơn cử như trong trường học, các địa phương phản ánh công trình xây xong phải bổ sung cầu thang bộ, bể chứa, bơm nước… rất khó khăn, tốn kém, nhưng lại chắp vá và không đồng bộ.

Do đó, theo Đại biểu Phước, dự thảo Luật lần này quy định “Khi lập, điều chỉnh quy hoạch các khu dân cư, khu - cụm công nghiệp, thiết kế xây dựng mới, phương tiện giao thông cơ giới thì phải có giải pháp, thiết kế PCCC…” là hết sức cần thiết. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật phải quy định hết sức cụ thể, mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân chịu sự tác động, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) dẫn chứng về các vụ cháy gây chết nhiều người tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hoàng Mai vừa qua và khẳng định, phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy và phòng cháy phải tốt hơn chữa cháy.

Tại Điều 8 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH; vận động, giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện pháp luật về PCCC&CNCH, hỗ trợ giải quyết hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, công tác PCCC cũng như tuyên truyền về PCCC đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm mỗi người dân, mỗi gia đình chứ không riêng gì Mặt trận Tổ quốc. Thực tế các vụ cháy xảy ra cho thấy, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng cứu hỏa thì không thể dập tắt đám cháy được, mà phải có sự giúp sức của các tầng lớp nhân dân.

thế, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, chung tay trong công tác PCCC&CNCH mới hiệu quả được”, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Đại biểu Sơn Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương góp ý tại tổ

Bày tỏ băn khoăn với những bất cập tồn tại trong quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, quy hoạch này mặc dù là quy hoạch hạ tầng quốc gia, nhưng việc quản lý và thực thi lại đang bộc lộ nhiều thiếu sót, khiến hiệu quả phòng cháy chữa cháy bị ảnh hưởng đáng kể. Thêm vào đó, mối liên hệ giữa quy hoạch này với các quy hoạch ngành khác cũng chưa được làm rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo và thiếu thống nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đối với vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, đại biểu cho biết, Chính phủ đang tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đây là cơ hội để hoàn thiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo hiệu quả PCCC được nâng cao. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tham khảo kỹ lưỡng cách tiếp cận được áp dụng trong việc xây dựng luật này, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như người dân để có được một quy hoạch hoàn chỉnh và hiệu quả.

Cùng quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cần bám sát thực tế và điều kiện cụ thể của từng dự án, công trình. Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn rập khuôn sẽ gây cản trở cho hoạt động thi công, cũng như không đảm bảo được hiệu quả sử dụng, do đó, cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, các quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng cần đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác của pháp luật, tránh trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cần được trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ khoa học, chính xác. Việc trình bày rườm rà, khó hiểu sẽ khiến cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng cháy, chữa cháy. Việc hoàn thiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp là những nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Thu Hường

Lượt xem: 32
Nguồn:https://congthuong.vn/du-thao-luat-phong-chay-chua-chay-can-mang-tinh-on-dinh-lau-dai-327084.html Sao chép liên kết