Cập nhật thông tin thị trường EU để nâng cao chất lượng thực phẩm Việt

Các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải đảm tuân thủ các quy định của thị trường EU. Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo chính thức các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) để được hướng dẫn.

Cập nhật thông tin thị trường EU để nâng cao chất lượng thực phẩm Việt- Ảnh 1.

Các yêu cầu của thị trường EU khá khắt khe nhưng rất minh bạch, đây là cơ hội để nâng chất lượng nông sản Việt khi xuất khẩu sang thị trường này - Ảnh minh họa

Sản phầm mỳ ăn liền ra khỏi danh mục kiểm soát của EU

SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) vừa nhận được thông báo từ Ban thư ký Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường EU sửa đổi Quy định (EU) 2019/1973. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.

Theo đó, sản phẩm mỳ ăn liền (có chứa gói gia vị hoặc nước sốt) của Việt Nam là sản phẩm bị tăng tần suất kiểm tra biên giới từ tháng 12/2021 do chứa etylen oxyde (EO). Kết quả kiểm soát và việc tuân thủ tốt các quy định của EU đối với các sản phẩm mì ăn liền, phía EU đã đưa sản phẩm mỳ ăn liền ra khỏi danh sách tại Phụ lục I, tức là sẽ không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu khi nhập khẩu vào EU.

Đối với quả thanh long của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 30% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng.

Đối với quả ớt của Việt Nam, do còn có một số lô hàng vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng (chuyển từ Phụ lục I sang Phụ lục II).

Đối với đậu bắp của Việt Nam, do còn 02 lô hàng bị vi phạm Quy định (EU) 2019/1793, nên EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 50% và kèm giấy chứng nhận kết quả phân tích mẫu đối với lô hàng.

Đối với sầu riêng của Việt Nam, EU giữ nguyên tần suất kiểm tra tại biên giới là 10%.

Như vậy, so với kỳ thông báo lần trước của EU số 2024/286 ký ngày 18/01/2024, Việt Nam chỉ còn 4 sản phẩm bị áp dụng tần suất kiểm tra biên giới theo Quy định (EU) 2019/1973.

Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mỳ ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU và các thị trường trên thế giới. Đây là sự nỗ lực của Văn phòng SPS Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, thương vụ Việt Nam và tham tán thương mại Việt Nam tại EU, đặc biệt là sự tuân thủ các quy định của EU của các doanh nghiệp trong ngành hàng mỳ ăn liền. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật cần tăng cường hơn nữa việc tuân thủ quy định của EU, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mà nhiều mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của EU ở mức rất thấp.

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải đảm tuân thủ các quy định của thị trường EU như quy định về đăng ký danh sách doanh nghiệp, quy định về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về mức dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, quy định về vùng an toàn dịch bệnh, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng (EUDR) hoặc các quy định liên quan khác…

Một số quy định cơ bản tại thị trường EU

Theo SPS Việt Nam, hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía Bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp soát.

Tuy nhiên, về yêu cầu nhập khẩu một số sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật vào EU tức là sản phẩm có rủi ro cao phải chịu sự kiểm soát chính thức theo Quy định của Liên minh (EU) 2019/1973, trong đó có Việt Nam.

Quy định 2019/1973 có 3 phụ lục: (1) Phụ lục I: Tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức các sản phẩm tại cửa khẩu, kiểm tra hồ sơ truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu phân tích ngẫu nhiên theo tần suất các lô hàng (5%, 10%, 20%, 30%, 50%); Bắt buộc nhà xuất khẩu phải thông báo trước tới cơ quan thẩm quyền theo Quy định (EU) 2019/1013. (2) Phụ lục II: Các yêu cầu tương tự như phụ lục I kèm theo điều kiện kiểm soát sản phẩm nhập khẩu có điều kiện đặc biệt như giấy chứng nhận của cơ quan quản lý của quốc gia xuất khẩu, kết quả phân tích các mối nguy. (3) Phụ lục IIa: Tạm đình chỉ (tạm dừng) nhập khẩu vào EU.

"Thông thường, cứ 6 tháng/1 lần EU sẽ họp, xem xét, biểu quyết và quyết định tăng hoặc giảm tần suất hoặc đưa ra khỏi danh sách kiểm soát theo Phụ lục I, Phụ lục II hay Phụ lục IIa. Một sản phẩm nông sản muốn đưa ra thị trường đã khó, mà muốn giữ được thị trường lại càng khó hơn bởi vì thị trường luôn có sự biến động, biến động về chính sách, biến động thị hiếu của người tiêu dùng, biến động về giá, biến động về các quy định nhập khẩu…", TS Ngô Xuân Nam cho biết.

Trong khuôn khổ Phiên họp Ủy ban SPS lần thứ 4 thực thi Hiệp định EVFTA, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của thị trường EU, phía Bạn rất thẳng thắn khuyến nghị: "Để tuân thủ đúng các quy định, các nhà xuất khẩu, cơ sở sản xuất, cần phải hiểu đúng quy định của EU để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EU"

Để hạn chế thấp nhất rủi ro bị gia tăng tần suất kiểm tra và thậm chí tạm dừng nhập khẩu đối với một số nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần cập nhật, tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) và các quy định liên quan của thị trường EU, đặc biệt là việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm. Vì đây là các quy định bắt buộc áp dụng.

Quan trọng hơn nữa đó là uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu chúng ta tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Đỗ Hương

Lượt xem: 51
Nguồn:https://baochinhphu.vn/cap-nhat-thong-tin-thi-truong-eu-de-nang-cao-chat-luong-thuc-pham-viet-102240613110345377.htm Sao chép liên kết