Thành phố Hồ Chí Minh: Để Thủ Đức xứng tầm đô thị hiện đại
Thành phố Hồ Chí Minh đang lập đề án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 nhằm đưa thành phố này phát triển xứng tầm đô thị hiện đại, có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển mạnh, trở thành cực tăng trưởng mới của thành phố. Theo định hướng quy hoạch, thành phố Thủ Đức sẽ hoạt động trên nền tảng kinh tế tri thức, chuyển đổi số.
Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua thành phố Thủ Đức) góp phần tạo sức bật cho thành phố Thủ Đức phát triển
Mong muốn có một thành phố đẳng cấp
Anh Nguyễn Phú Cường (ở phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức) chia sẻ: "Do đặc thù công việc, mỗi lần tiếp khách cần không gian sang trọng, tôi phải hẹn khách hàng ở khu vực quận 1 nên hơi bất tiện vì phải di chuyển khá xa. Vì vậy, tôi mong muốn thành phố Thủ Đức sẽ phát triển xứng tầm một đô thị hiện đại, đẳng cấp để người dân có môi trường sinh sống và làm việc tốt nhất. Thành phố Thủ Đức đang hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị như vậy”.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Thủ Đức hiện đại giúp nâng cao đời sống của người dân bản địa, thu hút người dân từ nơi khác đến, tạo dựng môi trường sống và làm việc tốt. Cũng theo ông Khương Văn Mười, để thúc đẩy xây dựng một thành phố mới, Nhà nước cần lập các loại quy hoạch và đề ra chương trình phát triển gắn với việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án mang tính nền tảng, còn công trình khác có thể xã hội hóa, huy động nguồn vốn trong dân để cùng kiến tạo, phát triển thành phố. Còn theo kiến trúc sư Lê Quốc Hùng (Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng), đối với khu vực phía Đông thành phố Hồ Chí Minh cần áp dụng các mô hình sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên đất đai như phát triển đô thị theo chuỗi giao thông công cộng, tăng sử dụng không gian (phát triển nhà cao tầng, đường giao thông trên cao...).
Hiện thành phố Hồ Chí Minh là “siêu đô thị” với hơn 10 triệu người sinh sống. Trung bình sau 5 năm, dân số thành phố tăng thêm khoảng 1 triệu người. Thành phố đang có tốc độ đô thị hóa rất cao, đặc biệt tại khu vực lân cận khu trung tâm hiện hữu. Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này đã mở ra cơ sở pháp lý mang tính bước ngoặt, giúp thành phố huy động mọi nguồn lực tạo dựng cực phát triển mới.
Hoạt động trên nền tảng kinh tế tri thức
Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 được ban hành, nhiệm vụ đầu tiên hết sức quan trọng là đẩy nhanh việc thực hiện lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 theo định hướng là thành phố đổi mới sáng tạo, hoạt động dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, chuyển đổi số. Đây là nội dung rất mới so với quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 vẫn còn hiệu lực.
Với định hướng này, thành phố Thủ Đức là trung tâm với vai trò hạt nhân trong đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tài chính và thương mại - dịch vụ. Đến năm 2040, dân số của thành phố Thủ Đức đạt từ 1,9 đến 2,2 triệu người, quy mô đất xây dựng đô thị đạt khoảng 15.995ha. Thành phố Thủ Đức xác định các động lực phát triển gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao thành phố, cảng Cát Lái. Đối với hạ tầng giao thông, quy hoạch đặt ra yêu cầu mật độ mạng lưới giao thông công cộng đạt 2,5-3km/km²; đạt 50-60km tuyến giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn; bảo đảm giao thông công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại.
Đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 trở thành trục tăng trưởng mới, thành phố Hồ Chí Minh xác định các nhóm giải pháp đặc thù để đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao. Cụ thể là: Xây dựng hạ tầng kinh tế tri thức và công nghệ để kết nối với các hoạt động sản xuất, dịch vụ và văn hóa; xây dựng khung chính sách thực thi quy hoạch, tạo ra một khu vực đô thị có khả năng thích ứng nhanh và linh hoạt ứng phó trước những thay đổi bất ngờ trong tương lai về kinh tế, xã hội và môi trường.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh: "Mục tiêu chung là xây dựng thành phố Thủ Đức đến năm 2040 có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh".