Cộng hưởng chuyển đổi số, LienVietPostBank nắm lợi thế bứt phá

Sau 3 năm dồn lực đầu tư, LienVietPostBank bắt đầu bứt phá mạnh mẽ ở nhiều chỉ tiêu trong khi vẫn bảo đảm hài hòa lợi ích khách hàng và an toàn hoạt động. Lợi thế riêng có về mạng lưới là một lý do, nhưng quan trọng hơn là ngân hàng đã tối ưu hóa lợi thế đó bằng cộng hưởng lực đẩy chuyển đổi số.

Cuối quý 1-2021, lãi suất huy động một số ngân hàng thương mại (NHTM) có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ở nhóm chiếm thị phần lớn trong hệ thống, bao gồm “Big 4” các NHTM Nhà nước, lãi suất vẫn được bình ổn ở mức thấp.

Nhìn lại, cho đến nay, duy nhất một NHTM cổ phần có mặt bằng lãi suất huy động cạnh tranh gần ngang ngửa với “Big 4” ở hầu hết các kỳ hạn. Đó là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Vì sao LienVietPostBank tạo được thế cạnh tranh này? Câu trả lời nằm ở lợi thế bán lẻ với độ phủ lớn của mạng lưới.

Cụ thể hóa giá trị lợi thế riêng có

Những năm 2018 và 2019, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, tại các kỳ đại hội đồng cổ đông, một câu hỏi vẫn được đặt ra: Vì sao lợi nhuận LienVietPostBank chưa thực sự đạt như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng?

Câu trả lời của đại diện lãnh đạo ngân hàng giai đoạn đó tập trung ở hai điểm cốt lõi.

Thứ nhất là, LienVietPostBank đang trong quá trình tập trung đầu tư hạ tầng mạng lưới, đặc biệt ở kế hoạch nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng, đi cùng với phát triển nhân sự, đòi hỏi chi phí hoạt động ban đầu lớn và một phần trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận; thứ hai, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao hằng năm chặt chẽ hơn trước.

Ở điểm thứ hai, sau khi lần lượt hoàn tất các trụ cột Basel II, giảm mạnh nợ xấu, đều đặn tăng vốn điều lệ, LienVietPostBank đã có đà tăng trưởng tín dụng tốt hơn nhiều so với bình quân ngành khi đạt tới 25,65% trong năm 2020.

Đáng chú ý, quá trình nâng cấp và phát triển mạng lưới rộng khắp các địa bàn trên cả nước trong 3 năm qua từng bước hoàn tất để phát huy hiệu quả. Mạng lưới là lợi thế riêng có của LienVietPostBank, hình thành qua sáp nhập Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện từ 10 năm trước; qua quá trình đầu tư và nâng cấp, đến nay đã phát triển tới 556 chi nhánh và phòng giao dịch, cùng 613 phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc.

Hệ thống phủ khắp cả nước đến tận làng xã này tạo một lợi thế bán lẻ hiệu quả và đa dạng. Cụ thể là đã giúp LienVietPostBank tiếp cận dễ dàng với đa dạng đối tượng khách hàng, kể cả khách hàng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khách hàng hưu trí, khách hàng công chức, viên chức…

Nhờ vậy huy động bán lẻ của ngân hàng luôn ở mức cao, bình quân tăng trưởng hơn 70% trong tổng tăng trưởng huy động và nguồn không kỳ hạn CASA theo đó cũng không ngừng tăng trưởng, riêng năm 2020 đã tăng 28% so với năm trước.

Trong khi đó, tín dụng cũng tăng trưởng vượt trội so với bình quân ngành. Theo ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc LienVietPostBank, để đạt được kết quả đó, ngân hàng đã ưu tiên phát triển các sản phẩm tín dụng bán lẻ cho phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, lẻ tại mọi miền đất nước gắn với lợi thế mạng lưới phủ khắp, và đặc biệt ưu tiên ở lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Và khi dịch vụ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) phát triển mạnh tại Việt Nam những năm gần đây, lợi thế và thế mạnh mạng lưới riêng có của LienVietPostBank càng phát huy hiệu quả.

Ông Sơn cho biết, bảo hiểm chính là dịch vụ tăng trưởng tốt nhất và đóng góp tích cực vào kết quả thu dịch vụ của ngân hàng năm qua. Cụ thể, năm 2020, doanh số bảo hiểm tại LienVietPostBank tăng trưởng tới 40%, nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số bảo hiểm cao nhất thị trường.

Ở hiệu quả chung của phát triển dịch vụ, nguồn thu liên quan của LienVietPostBank năm 2020 đã đạt tới 627 tỷ đồng, cao nhất trong 13 năm hoạt động, hoàn thành 131% kế hoạch và tăng gần 60% so với năm 2019, qua đó giúp ngân hàng từng bước chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng nâng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi.

Thêm lực đẩy chuyển đổi số

Năm 2020, bên cạnh gia tăng giá trị lợi thế riêng có về mạng lưới, LienVietPostBank cũng đã nâng cao khung năng lực quản trị rủi ro tiệm cận với thông lệ quốc tế, tất toán trước hạn toàn bộ dư nợ ở VAMC (Công ty Quản lý tài sản). Cùng đó, quy mô vốn điều lệ tiếp tục tăng lên và vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

Những tiền đề đó tạo điều kiện để hướng tới đà bứt phá nối tiếp trong năm 2021. Trong đó, chuyển đổi số có vai trò tạo thêm lực đẩy để đà bứt phá mạnh mẽ hơn, đặc biệt với một NHTM có hệ thống mạng lưới rộng lớn như LienVietPostBank.

Năm 2020, LienVietPostBank đã ra mắt sản phẩm LienViet24h, tích hợp dịch vụ thẻ phi vật lý Ví Việt, ngân hàng số (Internet Banking và Mobile Banking) và các dịch vụ thẻ với những tiện ích thông minh đáp ứng toàn diện nhu cầu của khách hàng trên một ứng dụng duy nhất.

“Tiếp thu và thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước về ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ, với nền tảng công nghệ tốt cùng với chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước và quy định cho phép định danh tài khoản trực tuyến 100% sử dụng công nghệ eKYC đã giúp LienVietPostBank nhanh chóng triển khai sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm LienViet24h, từ đó giúp gia tăng thị phần khách hàng và tăng nguồn thu từ dịch vụ”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phạm Doãn Sơn cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank, đầu tư công nghệ và chuyển đổi số tiếp tục là hướng ưu tiên trọng tâm trong năm 2021. Qua đó tiếp tục tối ưu hóa những lợi thế và thế mạnh sẵn có, để hướng tới hiệu quả cao hơn nữa trong triển vọng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm nay, khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch Covid-19 và lộ trình tiêm vắc xin đang mở rộng.

Lượt xem: 138
Nguồn:https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doanh-nghiep/997020/cong-huong-chuyen-doi-so-lienvietpostbank-nam-loi-the-but-pha Sao chép liên kết