'Chiếc áo' ví điện tử đã thực sự chật?

Với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như ‘chiếc áo đã chật’ và đang có sự ganh đua quyết liệt. Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng, cũng như sử dụng các giải pháp bảo mật nhiều hơn nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng.

 Nhận định mới nhất về thị trường ví điện tử Việt Nam hiện nay, Ts. Seng Kiong Kok, chuyên gia tài chính tại đại học RMIT, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì chúng ta đang chứng kiến ​ảnh hưởng từ sự ganh đua giữa các ví điện tử đương nhiệm và tân binh, điển hình là việc các “ông lớn” đang ra sức củng cố vị thế của mình trên thị trường.

Ganh đua quyết liệt

Theo ông Kok, một xu thế đang hình thành là nhà đầu tư rót vốn thẳng vào hệ sinh thái của các doanh nghiệp (DN) chủ chốt hiện đang có mặt trên thị trường ví điện tử thay vì đầu tư vào DN mới. Trong đó phải kể đến việc MoMo gọi vốn thành công 200 triệu USD giữa đại dịch Covid-19.

HINH-6949-1650964914.jpg

Thị trường ví điện tử ở Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến những thương vụ sáp nhập lớn và hợp tác kinh doanh trong tương lai gần.

Vị chuyên gia RMIT lưu ý lĩnh vực này vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn, một phần có thể do những bất ổn từ Covid-19 hoặc do thị trường đang bão hòa, trong khi các ví điện tử hàng đầu như MoMo, ZaloPay hay ShopeePay cũng tiến hành tái cấu trúc trong nội bộ.

Trong khi đó, một báo cáo gần đây của công ty kiểm toán PwC có nhận định do cạnh tranh khốc liệt, thị trường ví điện tử được dự báo sẽ chứng kiến những thương vụ sáp nhập lớn và hợp tác kinh doanh trong tương lai gần.

Ngoài ra, B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và chuỗi cung ứng số hóa là xu hướng phát triển tiếp theo của ví điện tử.

Theo PwC, với hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam được ví như ‘chiếc áo đã chật’ trong vài năm qua. Ba ví điện tử dẫn đầu: Momo, Moca và ZaloPay chiếm 90% thị phần, không còn quá nhiều ‘đất’ cho các nhà cung cấp khác.

Mặc dù vậy, các ví điện tử lớn cũng đang gặp khó khăn khi họ không thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình so với các ứng dụng phát triển bởi ngân hàng truyền thống vốn đã bắt kịp các chức năng của ví điện tử.

“Nhu cầu giành lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường”, các chuyên gia của PwC đánh giá.

Bàn thêm về xu hướng mới nổi ở Việt Nam là ví điện tử có thể tiến tới trở thành siêu ứng dụng, Ts.Seng Kiong Kok đưa ra trường hợp như “cú bắt tay” giữa MoMo và Gojek gần đây. Điều này thể hiện ở việc hình thành các quan hệ đối tác chiến lược, là động lực tạo nên siêu ứng dụng.

“Tương tự, đây cũng là kết quả từ mặt bằng cạnh tranh ngày càng gia tăng. Nhiều khả năng sẽ có thêm các thỏa thuận đối tác chiến lược giữa các nhà cung cấp ví điện tử và nền tảng đa dịch vụ theo yêu cầu”, ông Kok nói.

Hình thành những siêu ứng dụng và bảo vệ người dùng

Ngoài ra, các siêu ứng dụng có thể tạo ra là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa ví điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số khác (ví dụ: thương mại điện tử, gọi xe và giao đồ ăn). 

Đơn cử như Grab đã mua 3,5% cổ phần của Moca để liên kết chức năng thanh toán sang ví điện tử này. Hoặc như Airpay (nay là ShopeePay) đã bán 30% cổ phần cho Sea Ltd, công ty sở hữu Shopee Việt Nam.

Theo giới phân tích, các siêu ứng dụng và các nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác sẽ bắt tay hợp tác. Tại Việt Nam, các công ty thương mại điện tử hàng đầu như Tiki và Lazada đã tích hợp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số vào cơ sở hạ tầng: tương ứng là Momo và eMoney.

Ngoài ra, ZaloPay đã chào đón thêm 269 đối tác mới trong năm qua bên cạnh các thương hiệu hiện tại, như Baemin, Sendo, Circle K...Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cũng có thể tận dụng siêu ứng dụng như một kênh phân phối mới.

Bên cạnh đó, quyền riêng tư dữ liệu sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ để gia tăng tuổi thọ cho các dịch vụ họ cung cấp cũng như khả năng áp dụng các siêu ứng dụng với quy mô lớn. 

Giới chuyên gia dự đoán các DN trên thị trường ví điện tử Việt Nam sẽ sử dụng các giải pháp bảo mật dữ liệu nhiều hơn, như xác thực đa yếu tố và mã hóa dữ liệu, để có thể bảo vệ dữ liệu của người dùng.

Cần lưu ý thêm, điều mà các ví điện tử vẫn chưa làm tốt chính là quốc tế hóa hoạt động. Các phương thức thanh toán kỹ thuật số này vẫn còn mang nặng tính địa phương hoặc khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam. 

Một cách “gỡ khó” là hỗ trợ các tài khoản ngân hàng quốc tế kết nối với ví điện tử Việt Nam và mở quyền truy cập ứng dụng cho người dùng nước ngoài. 

Nhóm khách hàng này bao gồm những người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam nhưng ưa chuộng sử dụng ngân hàng nước ngoài hơn, và quan trọng hơn là khách du lịch đến Việt Nam bởi đối tượng này có thể chi tiêu rất nhiều. 

Tuy nhiên, việc quốc tế hóa có thể gặp trở ngại do các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế khác nhau, đặc biệt là liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng.

Còn theo Ts. Seng Kiong Kok, gần đây đã có một số bước tiến liên quan đến hành lang pháp lý cho thị trường ví điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực để hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.

“Một số dự thảo nghị định có thể sẽ được viết thành luật và giúp mức độ bảo vệ dữ liệu tại Việt Nam trở nên phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Đây có thể là một bước tiến lớn trong khía cạnh quốc tế hóa các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử Việt Nam”, ông Kok chia sẻ thêm.

Thanh Loan

Lượt xem: 114
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết